Mở doanh nghiệp tại Canada cho người nước ngoài - Câu chuyện đi từ ngọn đến gốc
Chính phủ Canada đang có nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư từ nước ngoài và song song đó, các nhà đầu tư được quyền lợi xin PR, cung cấp LMIA, job offer, tài trợ PR cho các thành viên chủ chốt trong công ty… Ngày càng nhiều các anh chị trung lưu muốn mở doanh nghiệp tại Canada và qua đó đạt được quyền lợi về chính sách nhập cư, tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ hoặc có cơ hội được tư vấn rõ ràng để đạt được cả về mục tiêu kinh doanh lẫn mục tiêu về di trú.
Chính phủ Canada cho phép các người nước ngoài (non-residents) có thể mở doanh nghiệp theo một số mô hình khác nhau. Các mô hình phổ biến nhất là: LLP, mở chi nhánh (extra-provincial registration), doanh nghiệp chuẩn (Standard Canadian Corporation) chỉ ở 4 tỉnh bang là B.C, Quebec, New Brunswick, và Manitoba. Tùy thuộc vào mục tiêu của doanh nghiệp mà bạn phải chọn một loại hình phù hợp. Việc chọn sai loại hình doanh nghiệp sẽ mang đến cho bạn những tác hại khó lường. Ngược lại, việc mở đúng hướng sẽ cho bạn các quyền lợi cực kỳ có giá trị.
Chính sách thuế suất bằng 0
Một doanh nghiệp tiêu chuẩn tại Canada thông thường phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp đến 25% cho cơ quan thuế của Canada (Canada Revenue Agency). Tuy nhiên, các nhà đầu tư không phải công dân Canada, những người sống ở lãnh thổ ngoài Canada, có thể tận dụng được chính sách thuế suất bằng O này với hai trường hợp khác nhau:
- Trường hợp 1: Nếu 100% các hoạt động kinh doanh của bạn nằm ngoài lãnh thổ Canada.
- Trường hợp 2: Quốc gia mà bạn đang cư trú có chính sách miễn thuế kép (double tax exemption) với Canada.
Công ty nào được ưu đãi thuế suất bằng 0?
Nếu TẤT CẢ các hoạt động kinh doanh (hoạt động của doanh nghiệp, địa điểm vật lý, và doanh số) của công ty bạn nằm ngoài lãnh thổ Canada, thì công ty của bạn được coi là doanh nghiệp ngoài Canada (off-shore company) và bạn có thể tận dụng chính sách thuế suất bằng 0 đã kể trên. Điều này được giải thích một cách đơn giản là vì mọi hoạt động kinh doanh của bạn diễn ra ở nước ngoài. Trong trường hợp này, bạn có thể đăng ký công ty với một trong hai hình thức: Limited Liability Partnership (LLP) và Extra-Provincial Registration. Nếu bạn đã đăng ký công ty tại Việt Nam, thì bạn có thể mở chi nhánh tại Canada dưới hình thức là Extra-Provicial Registration. Nếu bạn chưa có công ty ở quốc gia sở tại hoặc muốn đăng ký công ty mới tại Canada thì LLP là lựa chọn duy nhất.
Điều khác biệt rất lớn của hai loại hình doanh nghiệp là LLP là một “công ty Canada” và Extra-Provincial Registration thì không. Sự khác biệt này không chỉ nằm ở việc ưu đãi trong cấu trúc thuế mà còn đi kèm với quyền lợi ưu đãi về chính sách định cư nếu bạn có mong muốn này.
Trừ khác biệt kể trên thì cả 2 loại hình công ty đều có quyền mở tài khoản, và thu doanh số bằng Đô La Canada.
Một cách khác để tận dụng chính sách thuế suất bằng 0 là nếu nước sở tại của bạn có thỏa thuận tránh thuế kép với Canada (Mutual tax exception treaty) thì bạn có thể mở một “công ty Canada tiêu chuẩn” ở 4 tỉnh bang British Columbia, New Brunswick, Quebec và Manitoba mà không cần phải là công dân Canada và có thể cho phép bạn đăng ký tên của bạn và các nhà đầu tư của bạn vào danh sách cổ đông mà không cần phải có người Canada đồng sở hữu. Nếu bạn không phát sinh các nghiệp vụ kinh doanh tại Canada thì công ty bạn cũng không cần phải có GST/HST hay PST cho hàng bán và không cần mở các tài khoản này. Bên cạnh đó, nếu bạn không trả lương cho bất kỳ lao động nào ở Canada, bạn cũng không cần có tài khoản tiền lương (payroll).
Bạn có thể thắc mắc rằng nếu vậy thì làm sao tôi có được người lao động? Người viết bài này hiểu rằng rất nhiều công ty dạng này lách payroll bằng các hợp đồng Contractor và tiền lương được gọi là “Retainer”. Điều này cần kiểm chứng bằng sự hiểu biết từ phía các bạn kế toán và nhân sự.
Các công ty có hoạt động kinh doanh tại Canada
Nếu bạn có phát sinh bất kỳ nghiệp vụ kinh doanh nào tại Canada, bao gồm hoạt động kinh doanh thường nhật, địa chỉ kinh doanh vật lý, hoặc phát sinh doanh số tại Canada bạn vẫn có thể nhận được ưu đãi thuế suất bằng 0 nếu quốc gia sở tại của bạn có thỏa thuận tránh thuế kép với Canada (mutual tax exception treaty). Nếu phát sinh nghiệp vụ kinh doanh tại Canada, bạn có thể mở công ty dưới một trong ba hình thức: LLP, hình thức chi nhánh (Extra-Provincial Registration), và “công ty Canada tiêu chuẩn” (Standard Canadian corporation).
Nếu bạn mở công ty dưới dạng LLP thì cần phải lưu ý rằng lợi nhuận công ty sẽ đi vào thu nhập cá nhân của bạn và bạn sẽ bị tính thuế suất dựa trên “thuế thu nhập cá nhân”. Nếu tính mức lũy tiến trên thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam lên đến 35% thì bạn phải tự trả lời câu hỏi là có lợi hay bất lợi hơn việc chịu thuế 25% ở Canada. Chúng tôi không bàn đến “kỹ năng múa thuế” của bạn tại Việt Nam.
Nếu bạn mở hình thức chi nhánh (Extra-Provincial Registration), và “công ty Canada tiêu chuẩn” (Standard Canadian corporation) tại 4 tỉnh bang BC, Quebec, New Brunswick hay Manitoba mà phát sinh nghiệp vụ kinh doanh, bạn phải đóng thuế cho chính phủ Canada, trừ phi bạn nằm trong quốc gia có thỏa thuận tránh thuế kép với Canada (mutual tax exception treaty) như đã đề cập nhiều lần ở trên. Tóm lại, hễ có phát sinh nghiệp vụ kinh doanh thì bạn phải có tài khoản GST/HST và tài khoản tiền lương để trả lương cho nhân viên tại Canada. Nếu bạn hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa Canada, bạn còn cần phải có tài khoản xuất nhập khẩu.
Các hình thức mở công ty tại Canada cho người nước ngoài
Hình thức công ty Limited Liability Partnership (LLP)
Là một công ty của Canada và các cá nhân không phải công dân Canada có thể mở được ở B.C và Ontario. LLP là loại hình phổ thông nhất cho những chủ doanh nghiệp không phải công dân Canada. Cần lưu ý là lợi nhuận sẽ được tính vào “thu nhập cá nhân” ở nước sở tại của bạn. Nếu hoạt động kinh doanh diễn ra tại Canada, các LLP phải có tài khoản HST/GST, và PST cho tỉnh bang B.C, tài khoản tiền lương để trả lương cho các công dân ở Canada, còn thêm các WSIB/WCB/WSIB khi thuê người tại Canada. Ngoài ra, một LLP cần phải có một văn phòng và luật sư ở tỉnh mà bạn đăng ký.
Hình thức là chi nhánh của một công ty ở nước sở tại (Extra Provincial Registration)
Trước hết, bạn phải có một công ty ở nước sở tại (ngoài Canada). Loại hình công ty theo dạng Extra Provincial Registration không được coi là một công ty tại Canada mà chỉ là chi nhánh của một công ty nước ngoài, tức sẽ không nhận được một số chính sách ưu đãi của chính phủ Canada, như chính sách di trú. Một công ty theo loại hình Extra Provincial Registration vẫn có thể nhận được chính sách thuế suất bằng 0 nếu quốc gia sở tại của công ty mẹ có tax exemption treaty với chính phủ Canada.
Công ty Canada tiêu chuẩn (Standard Canadian Corporation)
Nếu không phải công dân Canada, bạn có thể mở công ty theo dạng này tại các tỉnh bang BC, New Brunswick, Manitoba và Quebec. Bạn có thể đăng ký một Giám đốc chính và một cổ đông chính và có thể dùng passport và địa chỉ nước ngoài của bạn.
Hình thức LLC đăng ký ở Ontario
Hình thức này chỉ phù hợp khi bạn đã có một LLC ở Mỹ hay quốc gia khác trên thế giới. Bạn có thể đăng ký cấu trúc doanh nghiệp tại Ontario tương tự như quốc gia sở tại. Nó cũng gần giống như hình thức “chi nhánh” đã đề cập ở trên nhưng khác biệt là khi mở ở Ontario thì nó lại được coi như là một công ty Canada.
Lời kết
Việt Nam là một quốc gia có double tax exemption treaty với Canada, vì vậy nếu bạn hiểu đúng và làm đúng bạn vừa có cơ hội kinh doanh tuyệt vời, đúng luật với thuế suất bằng 0 trong khi vẫn có cơ hội định cư cho bản thân, các cổ đông và đồng nghiệp cực lớn. Ngược lại, bạn sẽ đánh mất đi rất nhiều quyền lợi. Để đạt được lợi ích này, bạn cần phải có một luật sư kinh doanh, một luật sư di trú, và một kế toán giỏi.
Khi chính bản thân chúng tôi tìm kiếm cơ hội định cư và mở công ty tại Canada, chúng tôi phát hiện ra rất nhiều lỗ hổng kiến thức mà một công ty / luật sư di trú không thể nào giải đáp được. Và chúng tôi đã từng bị từ chối cung cấp dịch vụ vì đặt ra quá nhiều câu hỏi khó. Vì vậy, chúng tôi sẽ tìm hiểu và đưa ra các phân tích trong quá trình mở công ty thật tế tại Canada cho những ai có cùng nhu cầu.
Tresdin Nguyen
Bình luận (0)